Làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP HCM trưa 21/3, Chủ tịch UBND quận 8 Trần Quang Thảo cho biết quận ghi nhận 2 ca nhiễm nCoV là " bệnh nhân 64 " - phụ nữ ngụ ở đường Nguyễn Thị Tần (phường 2) và người đàn ông dân tộc Chăm ở đường Dương Bá Trạc Biên phiên dịch (phường 1).
Đối với trường hợp ở phường 1, ông này từng dự lễ hội Hồi giáo ở Kuala Lumpur (Malaysia) với sự tham dự của 16.000 người, đi cùng chuyến bay với " bệnh nhân 61 " ở Ninh Thuận. Cơ quan y tế lấy mẫu xét nghiệm hôm 17/3, đến sáng 19/3 có kết quả dương tính nhưng đến nay Bộ Y tế vẫn chưa công bố. Chính quyền đã cách ly 140 hộ với 725 dân, đa phần là người Chăm.
Ngoài ra, quận 8 ghi nhận 23 ca nghi nhiễm, 913 người cách ly tại nhà; 34 trường hợp đang cách ly tập trung; trong đó có 16 người có tham gia hành lễ tại Malaysia, 5 người về từ vùng dịch, 13 người tiếp xúc gần với các ca nhiễm.
Chủ tịch UBND quận 8 Trần Quang Thảo. Ảnh: Trung Sơn |
Theo ông Thảo, do người Chăm có chế độ ăn và phong tục tập quán riêng nên quận 8 gặp khó khăn - cung cấp thực phẩm không có "chứng chỉ Halal" nên nhiều người không ăn. Ngoài ra, người bị cách ly là lao động phổ thông, mỗi ngày phải được đảm bảo kinh phí 60.000 đồng, nhưng Thông tư 32 của Bộ Tài chính về phòng chống dịch bệnh quy định "chỉ người cách ly tại cơ sở mới được hưởng". Do đó, quận không có căn cứ để chi kinh phí cho những hộ này.
Đại diện lãnh đạo UBND phường 1 cho biết, ngoài việc phun khử khuẩn xung quanh khu vực có nhà người nhiễm bệnh, phường lập 6 chốt khoanh vùng những người dự lễ hồi giáo ở Malaysia trở về địa phương. Đối với 140 hộ đang cách ly, phường trao tặng mỗi hộ 10 kg gạo, thùng mỳ chay, nước, trứng gà, sữa...
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong (đứng) và Phó chủ tịch thường trực Lê Thanh Liêm tại buổi làm việc. Ảnh: Trung Sơn |
Sau khi nghe UBND quận 8 báo cáo, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng quận chưa chủ động liên hệ 11 cửa hàng có "chứng chỉ Halal" phục vụ đồ ăn cho người Hồi giáo, nên mới kêu khó.
"Chính quyền địa phương phải giải thích để họ không hiểu nhầm đang bị giam giữ. Mình mời họ cứ ở yên tại nhà, quận sẽ phục vụ cho từng gia đình. Làm sao để họ hiểu cách ly là đang bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, gia đình và cộng đồng chứ không phải kỳ thị", ông Phong nói.
Người đứng đầu chính quyền thành phố yêu mỗi phường cần có tổ đáp ứng nhanh gồm cán bộ y tế và công an khu vực, nắm tình hình sức khỏe người dân, để có giải pháp xử lý nhanh nhất.
Đánh giá việc lây nhiễm trong cộng đồng diễn biến phức tạp, ông Phong yêu cầu quận 8 không được chủ quan, phải kiểm tra chặt chẽ việc phòng chống dịch bệnh, tránh để xảy ra như trường hợp " bệnh nhân 34 " ở Bình Thuận lây nhiễm cho nhiều người.
Đối với các khu cách ly tập trung, ông Phong cho biết Thủ tướng đã đồng ý cho mỗi người được hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng mỗi ngày. TP HCM sẽ đề xuất tăng mức hỗ trợ này cũng như đề xuất chính sách hỗ trợ cho người lao động, hộ nghèo... bị ảnh hưởng.
Việt Nam ghi nhận 92 bệnh nhân Covid-19, trong đó 17 người đã khỏi bệnh bao gồm 16 ca hồi phục từ tháng trước, một xuất viện ngày 20/3. Riêng TP HCM có 18 bệnh nhân đang điều trị, đứng thứ hai sau Hà Nội với 27 người. Hai thành phố đều phải mở rộng thêm số lượng khu cách ly, cho một lượng gia tăng người từ nước ngoài về.
Trung Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét